Nông nghiệp Kinh_tế_Việt_Nam_thời_Hồng_Bàng_và_An_Dương_Vương

Nền kinh tế thời Hồng Bàng – An Dương Vương chủ yếu dựa trên trụ cột là nền nông nghiệp lúa nước[1], kết hợp với trồng lúa nương[2]. Gạo chính là nguồn lương thực chính, trong đó chủ yếu là lúa nếp[3].

Người Việt cổ có những công cụ khai hoang, chặt cây là rìu đá, sau đó được thay thế bằng rìu đồng sắc bén hơn, mang lại năng suất cao hơn. Các nhà khảo cổ tìm được nhiều hiện vật niên đại thời kỳ này là những chiếc rìu chữ nhật và rìu xòe.

Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi năm phù sa sông Hồng tải ra biển từ 50-200 triệu tấn và là loại phù sa nhiều chất màu không kém các loại phân hữu cơ và phân hóa học[4]. Điều kiện tự nhiên thuận lợi đó giúp cho nền nông nghiệp trồng lúa phát triển.

Người Việt thời kỳ này có công cụ làm đất chuyên dụng là lưỡi cày, lưỡi cuốc bằng đồng để xới đất, họ biết dùng trâu bò vào việc đồng áng[4]. Ngoài ra, còn công cụ gặt gọi là lưỡi vằng. Hình ảnh cối giã thóc gạo bằng chày tay rất nhiều trên trống đồng, phản ánh việc làm lương thực trong đời sống sinh hoạt của người Việt khi đó. Gạo nấu trong nồi, chõ hoặc ống bương. Khảo cổ học phát hiện rất nhiều nồi, chõ gốm cỡ khác nhau thời Hùng Vương[5].

Bên cạnh nghề làm ruộng, làm rẫy còn có nghề làm vườn để tạo ra nguồn thức ăn ngoài gạo, là các loại rau, củ, đậu, các loại hoa quả... Ngoài ra còn có các sản phẩm của nghề chăn nuôi, săn bắn[5]. Di chỉ ở Đồng Đậu tìm thấy những hạt na, hạt trám và di chỉ Hoàng Ngô tìm thấy những hạt đậu[6].

Nghề chăn nuôi không đóng vai trò tối quan trọng như vùng du mục Trung Á hay tây Trung Quốc cùng thời. Người Việt đã biết thuần dưỡng trâu , chó, voi, lợn, , ... để phục vụ cho đời sống hàng ngày[7][8].

Thông qua các hình ảnh trên trống đồng thời kỳ này, các sử gia khẳng định người Việt thời kỳ này còn kết hợp đánh cá, hái lượm và săn bắn với các công cụ như lưới, giáo, lao, mũi tên... và khi săn bắn đã có sự tham gia của chó[9].